Theo chân Đăng Khoa – TNV Việt Nam tham gia dự án workcamp tại làng Wuqi, Đài Trung, Đài Loan. Dự án nhằm mục đích giúp các tình nguyện trải nghiệm văn hóa địa phương, hỗ trợ dân làng trong việc tu sửa các công trình chung…
24 ngày tham gia tình nguyện ở Đài Loan đã để lại rất nhiều kỉ niệm trong tuổi trẻ của mình. Dự án là cơ hội để mình được làm việc, du lịch, học tập và chung sống với các bạn tình nguyện viên đến từ 6 quốc gia khác nhau bao gồm: Pháp, Nhật, Mexico, Tây Ban Nha, Belgium và Đài Loan.
Nội dung chính của dự án là giúp người dân ở quận Wuqi thuộc thành phố Đài Trung phục hồi và tu sửa không gian sinh hoạt chung. Chúng mình làm tượng; dọn vệ sinh; sơn, cưa gỗ làm hàng rào. Công việc đã vất vả chúng mình còn “hưởng” trọn vẹn cái nắng gắt gao của mùa hạ tháng 9. Vậy mà ai cũng vui ai cũng tươi hơn hoa chợ xuân, vì tuổi trẻ có mấy lần được cháy (nắng) như vậy ??? Sự thật thì mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khi chúng mình được truyền trà sữa chân trâu mỗi ngày :>
Tháng 8 ở Đài Loan cũng là tháng cô hồn. Đối với người Đài Loan, tháng cô hồn là tháng vô cùng quan trọng, do đó mà được dân làng ở đây tổ chức rất quy mô. Chúng mình được các bạn tình nguyện viên đến từ Đài Bắc giới thiệu về những nét văn hóa đặc sắc của lễ Cô Hồn. Trong buổi workshop đó, chúng mình xem phim, thảo thuận và thuyết trình về ngày lễ cô hồn ở quốc gia mình.
Ngày đầu của tháng cô hồn ở Đài Loan gọi là Chung Yuan. Tại đền, nhạc linh đình, pháo inh ỏi, hương khói nghi ngút bao trùm cả một con hẻm nhỏ. Sau đó, tầm chiều tà, đoàn rước tiến về con sông ở bìa làng. Pháo, nhạc vẫn không dứt trên chặng đường ấy, mọi người đều mang trong mình tâm thế vui mừng vì họ đang trên đường rước người thân của họ (những vong hồn) về lại đền thờ để ăn uống.
Tại sông, người ta lập đàn, có các vị sư ca sướng kinh kêu gọi vong hồn một hồi dài. Mãi đến nhá nhem tối, những thanh niên trai tráng trong làng, tiến gần hơn về con suối, nối thành một hàng tiếp sức – họ chuyền những mô hình ngôi nhà xuống suối như một dấu chỉ về nhà cho những linh hồn còn vất vưởng đâu đây. Sau đó là màn đốt vàng mã tưng bừng cùng màn pháo hoa sáng tưng cả bầu trời. Màn pháo hoa long trọng như một điểm nhấn cho những trải nghiệm của mình trong tháng ngày thanh xuân tươi đẹp. Mọi thứ vẫn cứ thế diễn ra tưng bừng trong quảng đường rước từ suối về lại đền.
Ngày kế tiếp của tháng cô hồn gọi là Pu Du. Tức là sau khi đã rước người thân về lại đền thờ, người dân bày cỗ mời họ ăn uống no say. Chúng mình được tận tay chuẩn bị bàn cỗ, mỗi ngôi đền chuẩn bị trên 50 bàn, mỗi bàn khoảng 10 mấy món. Có nhiều bạn tây lạ với việc cúng nên hỏi mình sẽ làm gì với số lượng thức ăn này sau khi lễ hội kết thúc. Câu trả lời vẫn tương tự với văn hóa ở Việt Nam – phân phát cho người nghèo.
Tối hôm đó chúng mình đến một góc làng tham dự ngày hội Pu Du. Tại đây người dân làm một đàn lớn cho các vị sư tụng kinh, kế bên đó là khu trưng bày thức ăn, và khu hội chợ. Trong hội chợ có cả ẩm thực và trò chơi dân gian cho mọi người tham gia. Sau hơn một tiếng trời ròng rã tụng kinh, các thầy bắt đầu phát lộc cho mọi người. Thầy cả sẽ ném đồ ăn từ trên xuống, mọi người tranh nhau, họ quan niệm rằng những đồ này đều mang lại cho họ nhiều may mắn nên họ cố gắng hết sức lấy được càng nhiều càng tốt. Khung cảnh lúc bấy giờ náo nhiệt và lộn xộn, lại một lần nữa mình cảm thấy sướng vì trước mắt mình là nét văn hóa rất đăc trưng của địa phương.
Tạm kết thúc tuần 1 của mình tại Đài Loan, các bạn hãy đón đọc tiếp tuần 2 và 3 của mình nha <3